Với những ai yêu thích ẩm thực hay văn hóa của Nhật Bản chắc chắn sẽ biết đến món bánh mochi. Bánh có hương vị ngọt ngào và lớp vỏ mềm mịn nên được khá nhiều người yêu thích. Bài viết này Vaobep365 sẽ hướng dẫn các bạn cách làm bánh mochi Nhật mềm dẻo và thơm ngon bởi công thức đặc biệt!
Bánh mochi Nhật là bánh gì?
Trong những năm gần đây món bánh mochi đã trở nên hot ở Việt Nam. Nếu bạn chưa biết thì đây là loại bánh có xuất xứ từ Nhật Bản. Bánh có lớp vỏ mềm dẻo và vị ngọt thanh tương tự như bánh dầy nhưng có nhân ngọt. Loại bánh này xuất hiện khá phổ biến ở Nhật, không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà còn trong cả những nghi lễ truyền thống của họ.
Bánh mochi được làm từ gạo mà đối với người Nhật hạt gạo là loại hạt quý, tinh hoa của đất trời. Vậy nên mochi còn có ý nghĩa mang đến những may mắn mà thần linh ban tặng cho loài người.

Nguyên liệu
Phần vỏ bánh mochi
- 115 g bột nếp
- 180 ml nước
- 50 g đường
- 50 g bột bắp
Phần nhân đậu đỏ
- 150 g đậu đỏ
- 100 g đường
- 1 chút muối
- Nước

>>Xem thêm: Nguyên liệu làm chè bưởi An Giang thơm ngon, hấp dẫn
Hướng dẫn cách làm
Bước 1: Làm nhân bánh
- Đâu đỏ rửa sạch và đem luộc từ 1 – 2 tiếng. Sau đó đem xay nhuyễn và cho vào 100g đừng, muối, dầu ăn.
- Cho lên bếp và đảo đều khoảng 20 phút là đã được phần nhân đậu đỏ mịn và tạo thành khối
Bước 2: Làm vỏ bánh
- Trộn tất cả nguyên liệu lại với nhau sau đó khuấy đều và để bột nghỉ khoảng 30 phút
- Phết một lớp dầu mỏng vào khuôn sau đó lọc phần bột qua rây và đổ vào khuôn rồi đem hấp khoảng 30 – 40 phút
- Thoa một lớp dầu mỏng lên túi nilon và đặt phần bột vừa hấp lên cán đều bột cho đến khi bột mịn và dính.
- Bỏ bột vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng
Bước 3: Tạo hình
- Lấy bột trong tủ lạnh ra và tiến hành tạo hình cho bánh.
- Rắc một lớp bột áo và bắt đầu cán bánh thành hình tròn mỏng dẹt đặt viên nhân đậu đỏ vào giữa và bọc bột kín phần nhân.
- Làm tương tự đến khi hết bột và nhân là được
Bước 4: Hoàn thành
- Rắc một lớp bột bắp mỏng lên mặt bánh sau khi hoàn thành để bánh không bị dính.
Chi tiết cách làm bánh mochi Nhật
Bước 1: Làm nhân bánh
Đầu tiên bạn cần rửa sạch đậu đỏ và đem hấp đậu trong nồi áp suất hoặc nồi hấp bình thường từ 1 – 2 tiếng để cho đậu nhừ. Hoặc bạn có thể ngâm đậu trước 1 – 2 tiếng rồi hấp đậu trong khoảng 20 phút là được.
Chờ đậu nguội bớt bạn cho vào máy xay rồi xay thật nhuyễn. Sau đó bạn cho phần đậu đỏ đã xay vào nồi và cho thêm đường đảo trên lửa nhỏ để nhân sên lại và đường tan hết. Cho thêm một chút muối để bánh có vị đậm đà hơn. Sên khoảng 20 phút là đậu đã đặc lại và tương đối mịn rồi.
Đổ hỗn hợp đậu ra khay đợi nguội bớt rồi viên thành những viên tròn nhỏ có đường kính khoảng 3cm. Ngoài ra nếu thích bạn có thể làm phần nhân vẫn còn viên đậu nguyên hạt bằng cách tán đậu sau khi hấp bằng thìa.
Bước 2: Làm vỏ bánh
Vỏ bánh nên được làm bằng bột nếp thì sẽ thơm và ngon nhất, ngoài ra bạn có thể chọn loại gạo ngọt Mochiki để làm vỏ thì thành phẩm cũng sẽ tương tự.
Bắt đầu làm bạn cho bột nếp và đường vào một tô lớn thêm một chút nước rồi trộn đều bột lên. Lưu ý phải trộn thật đều tay để bột không bị vón cục và tan nhanh. Đổ nước một cách từ từ để căn chỉnh cho phần bột không bị quá lỏng.
Tiếp theo bạn cho phần bột đã trộn đều vào nồi hấp cách thủy. Đáy nồi bạn phết một lớp dầu ăn để bột không bị dính khi hấp. Bên cạnh đó nên lọc bột qua rây một lượt để đảm bảo bột được mềm, mịn. Nắp vung nồi hấp bạn nên bọc một tấm khăn để tránh nước khi sôi sẽ chảy xuống bột.
Nếu bạn có lò vi sóng thì dùng sẽ nhanh và tiết kiệm thời gian hơn. Chỉ cần cho bột vào lò và quay trong vòng 1 phút ở 1200W. Rồi lấy bột ra đảo đều và tiếp tục quay thêm 30 giây nữa là đã xong phần bột được hấp chín có màu trắng ngà.

Bước 3: Tạo hình
Bạn trải một lớp bột bắp lên mặt phẳng làm lớp bột áo. Hoặc có thể lót một túi nilon xuống dưới mặt phẳng và phết dầu ăn lên để nhào bột.
Áo thêm một lớp bột lên tay vì bột tương đối dính. Nhào bột thêm 5 phút đến khi nào cảm thấy bột không bị dính tay nữa thì dừng lại.
Cán bột thành một hình trụ dài rồi bỏ bột vào tủ lạnh khoảng 2 tiếng.
Sau 2 tiếng bạn lấy bột ra và cắt thành những khúc nhỏ bằng nhau. Bạn vo tròn phần bột rồi cán bột thành hình tròn dẹt.
Lấy một phần nhân đặt vào giữa và khéo léo nhào nặn sao cho phần bột bao bọc hết phần nhân. Không nên để lớp bột quá dày, vỏ bánh càng mỏng thì bánh càng ngon. Nếu bột quá dày bạn có thể cắt bớt và vo bột lại để bọc kín nhân.

Bước 4: Hoàn thành
Bánh mochi sau khi nhào nặn xong bạn bày ra đĩa và rắc thêm một lớp bột bắp lên trên để bánh không bị dính tay khi ăn.
Những chiếc bánh mochi nhỏ xinh, núng nính khiến người nhìn chỉ muốn thưởng thức ngay lập tức. Cắn một miếng bánh bạn có thể cảm nhận được độ dẻo, mềm của lớp bột bên ngoài cùng với đó là phần nhân bên trong thơm bùi, ngọt thanh. Tất cả như hòa quyện tạo nên một món bánh nổi tiếng của xứ sở mặt trời mọc.
Nếu làm món bánh mochi lạnh thì bạn nên giảm tỉ lệ đường xuống cụ thể là 2 phần bột và 1 phần đường.
Bánh mochi là loại bánh có thể dùng để ăn vào những bữa phụ, bữa xế chiều hoặc mang theo những buổi dã ngoại. Ngoài ra để thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mình dành cho ai đó bạn có thể tự tay làm một hộp bánh mochi với nhiều loại nhân khác nhau để tặng cho người ấy. Chắc chắn họ sẽ tan chảy vì những chiếc bánh mochi dễ thương, núng nính này!

>>Xem thêm: Nguyên liệu làm bánh Biscotti cực dễ làm tại nhà
Những lưu ý khi làm bánh mochi tại nhà
- Không nên thay thế bột gạo nếp bằng bột mì hay bột năng sẽ làm phần vỏ bánh bị cứng hoặc không có độ dẻo
- Khi nấu vỏ bánh cần đảm bảo phần vỏ bánh được chín trên lửa nhỏ và khuấy đều tay. Nếu bột sống ăn sẽ không ngon
- Bánh mochi chỉ có thể bảo quản được 2 ngày vì thế mà không nên làm số lượng bánh quá nhiều nếu như không ăn hết bánh sẽ cứng và sượng lại
- Nhân bánh có thể biến tấu theo sở thích của bạn. Độ ngọt tùy ý nếu muốn ăn ngọt bạn có thể cho thêm đường.
Các loại bánh mochi nổi tiếng của Nhật Bản
Bánh mochi Nhật Bản không chỉ có một loại duy nhất mà còn được biến tấu với nhiều loại khác được sử dụng trong các dịp đặc biệt và mang một ý nghĩa nào đó. Hãy cùng khám phá thêm các loại bánh mochi nổi tiếng của Nhật Bản nhé!
Daifuku Mochi
Đây là loại bánh mochi được làm hình tròn nhỏ bên trong có nhân đậu đỏ nấu với đường hoặc mứt đậu trắng với đường. Lớp vỏ bánh Daifuku Mochi thường có màu nâu hoặc màu trắng. Bên ngoài lớp vỏ sẽ được áo thêm một lớp bột bắp hoặc bột gạo để giúp bánh không dính vào nhau. Những người đi du lịch Nhật Bản thường chọn món bánh này mang về làm quà tặng.

Kusamochi
Về hình thức thì Kusamochi khá giống với Daifuku mochi tuy nhiên sẽ có thêm lá ngải cứu tươi hoặc cây ngải cứu khô với công dụng tốt cho sức khỏe. Vì thế mà bánh có màu xanh tự nhiên thoạt nhìn sẽ khá giống mochi trà xanh. Hương vị của bánh cũng khá lạ khiến nhiều người thích thú.

Mochi kem
Mochi kem là loại bánh mochi khá nổi tiếng và được nhiều người yêu thích. Điểm nhấn của món bánh chính là ở phần nhân kem mát lạnh, ngọt ngào được làm từ trà xanh hoặc các loại trái cây như xoài, dâu,…Lớp vỏ bên ngoài được làm từ gạo nếp mềm dẻo ăn cực kỳ cuốn.

Sakura Mochi
Đây là một loại bánh ngọt của Nhật thường được ăn vào dịp lễ hội hoa anh đào hoặc dành cho ngày lễ Hinamatsuri của các bé gái. Phần nhân của bánh sẽ thường là đậu đỏ hoặc trà xanh hay cả những viên kem nhỏ. Vỏ bánh bên ngoài có màu hồng tựa như cánh hoa anh đào. Bọc bên ngoài bánh là lá hoa anh đào muối. Vị của bánh ở mỗi vùng miền sẽ có những cách biến tấu khác nhau.

Hishi Mochi
Bánh thường xuất hiện trong bàn tiệc của ngày Tết các bé gái. Màu sắc của bánh sẽ gồm có 3 màu được sắp xếp theo thứ tự: màu xanh lá ở dưới tượng trưng cho sự tươi mới, màu trắng ở giữa tượng trưng cho bông tuyết trắng của mùa đông, màu hồng ở trên cùng tượng trưng cho cánh hoa anh đào của màu xuân. Hương vị bánh thanh tao, ngọt nhẹ. Bánh có hình kim cương bởi theo quan niệm của người Nhật Bản kim cương là biểu tượng của sự trường tồn.

Một số câu hỏi thường gặp
Bánh mochi bao nhiêu calo? Ăn có béo không?
Trả lời
Bánh mochi ra đời với nhiều loại khác nhau, phần nhân bên trong cũng được làm khá đa dạng có thể từ các loại quả hoặc từ đậu xanh, đậu đỏ, matcha,…Tuy nhiên kích thước của bánh khá nhỏ nên chênh lệnh về lượng calo không quá lớn.
Một chiếc bánh mochi có thể chứa từ 50 – 75 calo tùy vào nhân bánh. Vậy ăn bánh mochi có béo không? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào phần nhân bánh và số lượng bánh bạn nạp vào cơ thể.
Nếu như bạn sử dụng bánh mochi để thay cho một bữa chính thì lượng calo của bánh sẽ không được vượt quá 667 calo cho một bữa. Tức là bạn có thể ăn khoảng 10 chiếc bánh mochi cho một bữa chính. Những loại mochi có nhân phô mai sẽ có lượng calo cao nhất là 75 calo nếu ăn nhiều thì chắc chắn sẽ có thể gây béo. Còn những loại nhân khác từ trái cây như việt quất, dâu tây hay trà xanh thì bạn có thể yên tâm vì sẽ không ảnh hưởng đến cân nặng.
Vì thế mà đối với một số bạn đang trong chế độ giảm cân khi sử dụng loại bánh này cần có một chế độ luyện tập và ăn uống khoa học.
Lời kết
Cách làm bánh mochi Nhật không phải quá khó đúng không nào! Chúc các bạn sẽ thành công khi vào bếp làm món bánh đặc sắc này.
Xem thêm
- Cách làm bánh tráng nướng mỡ hành “siêu ngon” tại nhà
- Cách làm bánh su kem thơm ngon tại nhà
- Hướng dẫn cách làm bánh tráng trộn chuẩn vị Sài Gòn
- Cách làm bánh bao chay bằng bột mì đơn giản, dễ làm