Cách làm bánh chưng truyền thống cho ngày Tết

Mỗi dịp Tết đến xuân về, dù bạn có bận bịu đến đâu thì cũng không thể quên được một chiếc bánh chưng cho mâm cỗ cúng ngày Tết. Hãy cùng đón năm mới rộn ràng với cách làm bánh chưng truyền thống cho ngày Tết cùng Vaobep365 nhé!

Bánh chưng là món bánh cất chứa linh hồn của ngày Tết ở từng công đoạn như ngâm đậu xanh, ngâm gạo, chuẩn bị lá dong, gói bánh và luộc bánh. Để làm được bánh chưng rền dẻo, xanh ngắt và nhân bùi béo hòa quyện vào từng hạt gạo thì bạn hãy tham khảo ngay công thức, cách làm bánh chưng dưới đây:

làm bánh chưng
Cách làm bánh chưng cho ngày Tết

Nguyên liệu

  • 1 kg gạo nếp
  • 500 g đỗ xanh
  • 500 g thịt lợn
  • 2 thìa cà phê muối
  • 1 thìa cà phê tiêu
  • Lá dong
  • Dây lạt
nguyên liệu làm bánh
Nguyên liệu làm bánh chưng ngày Tết

>>Xemt thêm: Set nguyên liệu làm chè bưởi An Giang ngon như hàng

Hướng dẫn cách làm bánh chưng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  1. Đậu xanh rửa sạch và ngâm với nước từ 4 – 6 tiếng
  2. Gạo nếp vo sạch ngâm với nước từ 8 – 10 tiếng
  3. Lá dong rửa sạch để ráo nước sau đó chặt bớt cuống và tước gân lá
  4. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng to ướp với ½ muỗng muối, 1 thìa tiêu

Bước 2: Gói bánh

  1. Gạo nếp và đậu sau khi ngâm xong thì đổ ra rổ cho ráo nước.
  2. Xóc gạo với 1 muỗng muối, đỗ xóc với ½ muỗng muối.
  3. Xếp lá dong chuẩn bị gói bánh. Lượng gạo sẽ gấp đôi lượng đỗ, lượng đỗ bằng với lượng thịt

Bước 3: Luộc và ép bánh

  1. Lá thừa và cuống lá lót dưới đáy nồi.
  2. Xếp bánh chưng vào nồi và đổ nước ngập bánh chưng
  3. Bánh luộc tầm 10 tiếng tính từ khi nước bắt đầu sôi. Khi luộc bánh nếu thấy nước cạn có thể đổ thêm nước vào cho ngập bánh.
  4. Bánh chín thì vớt bánh ra rửa sạch trong thau nước
  5. Xếp bánh lên một mặt phẳng dùng vật nặng đè lên bánh để ép bánh trong khoảng 3 – 6 tiếng

 

Bước 4: Hoàn thành

  1. Ép bánh xong bạn có thể bóc ra ăn ngay được với dưa hành hay củ kiệu. Hoặc có thể làm bánh chưng dán chấm với tương ớt.

Chi tiết cách làm bánh chưng

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Để làm được bánh chưng đầu tiên bạn cần chuẩn bị phần gạo nếp trước. Gạo nếp tốt nhất bạn nên ngâm trước từ đêm hôm trước khoảng 12 tiếng.

Một số nơi sẽ không ngâm gạo trước mà sẽ tiến hành xào gạo trên chảo chống dính cùng một chút nước. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm thời gian và bánh sền sệt sẽ dễ gói. Tuy nhiên cách này thường được dùng để gói bánh tét hoặc bánh ú trong miền Nam nhiều hơn.

Để bánh khi luộc lên có màu xanh tương đồng với màu lá bạn có thể ngâm gạo nếp cùng lá giềng xay. Trước khi ngâm bạn nên vo gạo thật sạch với nước.

Đậu xanh bạn cũng chọn loại đậu xanh không vỏ và vo sạch với nước. Ngâm đậu xanh ít nhất 4 tiếng trước khi gói bánh.

Thịt bạn nên chọn loại thịt ba chỉ có cả nạc và mỡ. Sau đó thái thịt thành từng khối và ướp cùng một chút muối và tiêu.

Gạo sau khi đã ngâm đủ thời gian bạn đổ ra và để ráo nước. Rắc thêm 1 – 2 muỗng muối vào và trộn đều.

Đậu xanh cũng vớt ra để ráo nước rồi trộn 1 muỗng muối vào.

Bước 2: Gói bánh

Để chiếc bánh chưng được vuông vắn và đẹp mắt hơn thì bạn nên gói bánh bằng khuôn vuông thông minh gồm 2 khuôn.

Bạn xếp 2 lá dong mặt phải úp xuống dưới sao cho nửa phần lá dong bên ngày đè lên nửa phần lá dong bên kia. Đặt 2 lá ngược chiều nhau. Đặt tiếp 2 lá dong mặt phải hướng lên trên và vuông góc với hai lá trước. Lấy khuôn nhỏ và úp ngược khuôn vào giữa.

Lần lượt gói lá dong vào khuôn theo sát mép khuôn, gói tương tự như khi bạn gói hộp quà, từ trái qua phải

Sau đó bạn lấy khuôn to đặt vào khuôn nhỏ rồi mở lá ra và nhấc khuôn bé ra. Tiếp theo bạn tiến hành đổ gạo và đậu vào. Bạn múc một bát gạo đổ vào khuôn rồi đổ nửa 1 bát đậu vào và đặt thêm 1 miếng thịt vào giữa. Múc thêm 1 bát nhỏ gạo nữa để phủ kín cả lớp đậu.

Bây giờ bạn tiến hành gập lá lại, nên chọn tàu lá đầu tiên là tàu lá ở phần đuôi của lá dong. Đây là chiếc lá có phần gân cứng khi luộc chín bóc bánh sẽ dễ dàng hơn. Gấp đồng thời hai lá dong ở lớp trên rồi gấp tiếp 2 lá dong ở lớp dưới. Nén chặt tay rồi nhấc khuôn ra.

Tiếp theo bạn tiến hành buộc lạt xoắn lại hình chữ thập. Khi buộc bán cần buộc nhẹ tay để không làm rách lá. Buộc chặt quá cũng làm bánh bị bục vì trong quá trình nấu bánh còn nở ra nữa. Bạn buộc 4 lạt cho 1 chiếc bánh chưng.

Sau khi buộc xong bạn ấn các góc cho bánh được vuông vắn hơn.

gói bánh chưng
Hướng dẫn cách gói bánh chưng

Bước 3: Luộc và ép bánh

Đầu tiên bạn cần lót phần cuống lá và lá còn thừa xuống đáy nồi để tránh nồi bị bén cũng là cách để cho bánh chưng được xanh hơn.

Theo như cách luộc bánh chưng truyền thống thì bạn nên luộc trong vòng 10 tiếng kể từ khi nước sôi.

Bánh chưng gói xong bạn xếp bánh vào nồi theo các tầng bánh chồng lên nhau cho ngay ngắn và chặt. Bạn có thể dùng vật nặng để đè bánh chưng chìm xuống nước. Nước bạn đổ ngập bánh chưng là được.

Trong quá trình đun bánh nếu nước bị cạn bạn có thể cho thêm nước sôi vào để bánh chín đều và không bị cháy. Bánh chưng phải luộc thật chín chứ không nên để bánh bị sống vì gạo bị sượng và cứng, ăn sẽ không ngon.

Đun bánh chưng thường đun bằng bếp củi vừa thú vị mà bánh lại càng ngon. Ngoài ra bạn cũng có thể luộc bánh chưng bằng nồi áp suất sẽ nhanh hơn.

Khi bánh chín bạn vớt bánh ra và ngâm vào nước lạnh. Rửa qua bánh một chút sau đó để bánh thật ráo nước.

Đặt bánh lên một mặt phẳng và tiến hành nén. Dùng vật nặng đè lên bánh trong khoảng 3 tiếng để bánh được rền dẻo. Bánh chưng sau khi luộc xong màu lá sẽ bị phai, bạn có thể cho bánh vào nồi luộc bánh một miếng tôn hoặc dùng nồi luộc làm bằng tôn.

Nén bánh khá quan trọng tuy nhiên đối với những chiếc bánh được gói tay một cách chuẩn, đủ chắc thì bạn cũng không cần nén bánh cũng được.

Nén bánh chưng để bánh được dẻo hơn

Bước 4: Hoàn thành

Bánh chưng sau khi nén xong sẽ có thể ăn luôn. Bóc bánh chưng cũng là công đoạn yêu cầu phải tỉ mỉ, cẩn thận để không làm phần nhân bánh bị bung ra. Do đó bạn nên cắt bánh bằng sợi dây lạt dùng để gói bánh. Chia bánh thành các phần bằng nhau theo đường chéo hoặc đường ngang – dọc đều được.

Chiếc bánh chưng đạt chuẩn là có hình dáng bên ngoài ngoài vuông vứt, kín góc. Khi cắt bánh phần nhân thấy rõ được các lớp thịt – đỗ – gạo không bị lẫn lộn. Phần vỏ bánh dẻo dính, có màu xanh đặc trưng, vị đậm đà hòa quyện cùng phần nhân đỗ xanh bùi béo, vàng óng. Thịt chín hồng cay cay mùi tiêu, lớp mỡ tan chảy trong miệng.

Bánh chưng bạn có thể ăn kèm cùng dưa hành, củ kiệu, dưa gót,…để chống ngán. Ngoài ra bánh chưng rán chấm tương ớt cũng là món ăn khoái khẩu được nhiều người yêu thích. Lớp vỏ ngoài được rán vàng giòn, dẻo dẻo, phần nhân bên trong hòa quyện vị bùi bùi, thơm mùi đỗ xanh.

Không chỉ xuất hiện vào ngày Tết, bánh chưng ở một số tỉnh phía Bắc cũng thường gói vào những dịp lễ hội để đem dâng lên bàn thờ Tổ Tiên, thứ bánh hội tụ tinh hoa của đất trời.

>>Xem thêm: Nguyên liệu làm bánh Biscotti giá khuyến mãi

Lưu ý khi làm bánh chưng

  • Khi luộc bánh chưng nên dùng nối tole là nồi có khả năng tạo ra môi trường kiềm để giữ được màu xanh của lá dong
  • Khi đun bánh chưng được nửa thời gian bạn có thể vớt bánh ra rửa qua với nước lạnh, thay nước toàn bộ trong nồi và xếp bánh vào đun tiếp.
  • Trước khi gói bánh nên chần qua lá dong với nước sôi để diệt hết vi khuẩn
  • Có thể ngâm gạo nếp với lá giềng giã nhỏ để bánh có được màu xanh y như màu lá.
  • Gạo nếp có thể ngâm cùng nước tro để bánh có màu trong hơn. Vì trong nước tro có tính kiềm.
  • Xếp bánh chưng thành các tầng chồng lên nhau ngay ngắn và chặt để bánh không bị đổ hay rơi ra khi nước sôi quá mạnh.
  • Khi luộc bánh thấy nếu nước sôi quá mạnh bạn cần giảm lửa chỉ để mức lửa liu diu nhưng đều khắp các phía của xoong cho bánh được chín đều và không bị cháy ở dưới.

Ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết nguyên đán

Mỗi dịp Tết đến cả gia đình quây quần bên nhau gói bánh chưng là hình ảnh đẹp và ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam. Một cái tên trọn vẹn không thể thiếu màu xanh của bánh chưng trong mâm cỗ.

Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dầy hình tròn tượng trưng cho trời. Thể hiện triết lý âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa đem lại mùa màng bội thu cho nhân dân.

Bên cạnh đó chiếc bánh chưng xanh bên trong nhân đậu vàng, thịt mỡ còn gợi nhớ đến ước mơ an cư lạc nghiệp. Nhân vàng giống như màu lúa chín, mùa màng bội thu cuộc sống ấm no trên khắp các làng quê.

Gói ghém bên trong lớp lá xanh là cả một nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc. Với những nguyên liệu từ tự nhiên như: lá dong, lạt, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi.

Gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Dù ai xa quê cũng mong được trở về quây quần bên gia đình gói nồi bánh chưng cúng ông bà Tổ tiên.

Ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền

Một số câu hỏi thường gặp

Cách bảo quản bánh chưng dài ngày?

Trả lời

Bánh chưng sau khi ép xong nếu ở thời tiết lạnh, hanh khô thì có thể để được khoảng 15 ngày.

Đối với những ngày nắng nóng bánh chưng được hút chân không sẽ bảo quản được 1 tuần Nếu muốn bảo quản được lâu thì sau khi ép bánh bạn để cho vỏ bánh thật khô ráo và bọc kĩ lại bằng màng bọc thực phầm rồi đem để tủ lạnh ở ngăn mát. Với kiểu bảo quản này bánh có thể để được 1 tháng. Muốn để lâu hơn nữa thì bạn có thể bỏ vào ngăn đông bảo quản được trong vòng 2 tháng.

 

Lời kết

Vậy là cách làm bánh chưng truyền thống cho ngày Tết đã hoàn thành. Nếu bạn đã nắm được công thức làm bánh rồi thì hãy nhanh tay chuẩn bị những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn và dẻo thơm đặt lên mâm cỗ Tết thôi nào!

Xem thêm

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trải nghiệm trung thu